Gạo Hữu Cơ - Nông Trường Cá Bờ Đập

Đăng bởi Ngọc Linh | 05/10/2022 | 0 bình luận
Gạo Hữu Cơ - Nông Trường Cá Bờ Đập

Với đam mê làm nông nghiệp sạch, cung cấp ra thị trường những sản phẩm chất lượng, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, anh Tạ Minh Bé, ở xã Viên An, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) đã nỗ lực sản xuất thành công lúa hữu cơ và xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm. Mô hình này cũng đang được nhiều nông dân áp dụng, làm lan tỏa trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương. 

1.Cộng đồng sản xuất Cộng đồng Khome - Sóc Trăng
2.Vùng sản xuất Nông trường Cá Bờ Đập - Trần Đề - Sóc Trăng
3.Quy trình canh tác Hữu cơ chuẩn VN - TCVN 11041-1:2017
4.Chịu trách nhiệm Tạ Minh Bé
5.Đặc tính gạo Dẻo, thơm, xay xát giữ cám.
Bảo quản và dùng sơm trong vòng 2 tháng vì đặc tính dễ bị sâu mọt

Gian nan không nản

Sau thời gian kinh doanh các mặt hàng điện tử và tích cóp được một số vốn, năm 2015, anh Tạ Minh Bé quyết định chuyển đổi canh tác lúa từ hướng truyền thống sang trồng lúa hữu cơ ở xã Viên An. Tuy nhiên, thời điểm ấy lúa bị nhiễm rầy nâu nặng nên gần như mất trắng. Đến năm sau, anh Bé nghiên cứu và lai tạo thành công giống lúa không bị nhiễm rầy nâu, niềm vui chưa được bao lâu thì năm 2016 xảy ra hạn, mặn kỷ lục, nhiều diện tích lúa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng bị thất thu hoàn toàn, gần 2ha lúa hữu cơ của anh Bé cũng bị mất trắng. 

Qua thời gian rút kinh nghiệm trong sản xuất cùng với việc lai tạo giống phù hợp để canh tác theo hướng hữu cơ, đoàn viên người Khmer Tạ Minh Bé cũng đã có những thành công bước đầu. Dần dần, năng suất lúa đã đạt 800kg/công, giá thành đầu tư giảm do anh Bé tự sản xuất giống và sử dụng các chế phẩm sinh học thay thế các loại thuốc bảo vệ thực vật truyền thống. Cũng nhờ cách làm này mà khi gặp thời tiết khắc nghiệt, mưa nhiều, diện tích lúa của anh Bé vẫn phát triển tốt trong khi các ruộng lúa của nhiều hộ dân lân cận bị đổ ngã do sử dụng nhiều phân hóa học và quy trình canh tác còn lạc hậu.

Anh Tạ Minh Bé (bìa trái) trao đổi với nông dân về cách sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: THIỆN HẢI

Thuận lợi trong sản xuất, anh Bé phối hợp với Hội Nông dân xã Viên An thành lập Tổ hội nghề nghiệp “Trồng lúa kết hợp nuôi cá và trồng màu” với quy mô 10ha lúa được sản xuất theo hướng hữu cơ. Thương hiệu gạo hữu cơ Nông trường Cá Bờ Đập do anh xây dựng cũng được khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến. Theo chàng trai sinh năm 1986 Tạ Minh Bé, khi mới bắt đầu sản xuất lúa hữu cơ, thấy cách trồng lúa không phụ thuộc vào thuốc trừ sâu hay phân bón hóa học thì nhiều người xầm xì bàn tán và chê bai vì nghĩ rằng sẽ không có hiệu quả, thậm chí gia đình anh Bé cũng lo lắng với mô hình khởi nghiệp của anh. Thế nhưng, với quyết tâm góp phần thay đổi nhận thức nông dân về canh tác lúa sạch, anh Bé kiên định thực hiện được mục tiêu. Anh Bé cho rằng: “Nếu ai cũng có ý thức bảo vệ môi trường, làm nông nghiệp sạch và tử tế thì chắc chắn con cháu chúng ta, nền nông nghiệp Việt Nam sẽ được hưởng lợi, nông sản Việt Nam cũng có chỗ đứng trên thị trường thế giới”.

Tạo sự lan tỏa

Hiện tại, sản phẩm gạo hữu cơ Nông trường cá Bờ Đập được bán trên thị trường với sản lượng trên 40 tấn/năm. Sản phẩm hiện có mặt tại một số cửa hàng ở Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Sóc Trăng… Không dừng lại ở đây, trong tương lai không xa, anh Bé sẽ phối hợp với bà con nông dân chế biến và đóng hộp một số sản phẩm dưa chua làm từ ngó sen, bồn bồn để xuất bán sang thị trường Campuchia.  

Từ hiệu quả của mô hình, nhiều người dân ở địa phương cũng nhận thức việc canh tác hữu cơ vừa mang tính bền vững, vừa không hại sức khỏe, bảo vệ môi trường, sản phẩm làm ra lại an toàn cho người sử dụng, nhiều đoàn viên, thanh niên và người dân xung quanh cũng học hỏi mô hình từ anh Bé. 

Đánh giá cao về mô hình nông nghiệp hữu cơ của đoàn viên Tạ Minh Bé, đồng chí Trần Quốc Thái - Bí thư Huyện đoàn Trần Đề khen ngợi: “Mô hình sản xuất lúa hữu cơ của anh Tạ Minh Bé không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn bảo vệ môi trường và đem lại an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng. Trong sản xuất, anh Bé luôn chủ động tìm tòi học hỏi những kỹ thuật tiên tiến để áp dụng vào mô hình; đồng thời là người luôn nghĩ tới cộng đồng, tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, đoàn viên, thanh niên để áp dụng vào sản xuất, giúp người dân phát triển kinh tế tại địa phương”.

Theo đồng chí Trần Quốc Thái, thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện đoàn Trần Đề đã hỗ trợ anh Bé đưa sản phẩm đem trưng bày, giới thiệu tại các sự kiện của đoàn tổ chức; đồng thời, phối hợp với ngành chuyên môn để hướng dẫn anh Bé làm thủ tục đăng ký chứng nhận gạo hữu cơ là sản phẩm OCOP và có thêm nguồn vốn khuyến công để trang bị máy móc sản xuất. Ngoài ra, Ban Thường vụ Huyện đoàn Trần Đề cũng phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Trần Đề cho vay vốn để anh Bé mở rộng quy mô sản xuất.

 Nguồn thông tin:

Báo Sóc Trăng 

Báo Cần Thơ 

Đài TH Sóc Trăng

popup

Số lượng:

Tổng tiền: