Chứng nhận hữu cơ USDA - Hữu cơ tiêu chuẩn Mỹ

Đăng bởi Farm Kitchen | 04/06/2022 | 0 bình luận
Chứng nhận hữu cơ USDA - Hữu cơ tiêu chuẩn Mỹ

“Thực phẩm hữu cơ” là sản phẩm thực phẩm, nông sản trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi hoàn toàn không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, phân bón hóa học (đối với sản phẩm trồng trọt) hoặc hoàn toàn không sử dụng thuốc kháng sinh, hooc môn, thức ăn công nghiệp (đối với sản phẩm chăn nuôi). Trồng trọt, chăn nuôi theo phương pháp hữu cơ dựa trên cơ sở giảm thiểu việc dùng đầu vào ở bên ngoài, chủ yếu lấy nguồn phân bón/thức ăn từ tự nhiên/nguồn hữu cơ, sử dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh/dịch bệnh từ các chất có nguồn gốc thiên nhiên cũng như các biện pháp phòng trừ thân thiện với môi trường.

Chứng nhận hữu cơ USDA là gì?

Hiện trên thế giới có rất nhiều chứng nhận hữu cơ, mỗi chứng nhận sẽ có những tiêu chí đánh giá khác nhau. Sản phẩm muốn gán được nhãn hữu cơ của tiêu chuẩn nào, sản phẩm cần đáp ứng các tiêu chuẩn mà tổ chức hữu cơ đó đưa ra.

USDA là chứng nhận hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (United States Department of Agriculture) - một bộ Hành chính liên bang của Hoa Kỳ đặc trách phát triển và thực thi chính sách của chính phủ Hoa Kỳ về nông nghiệp, nông trại và thực phẩm.

So với rất nhiều chứng nhận hữu cơ thì USDA là chứng nhận có độ tin cậy cao, là chứng nhận có yêu cầu nghiêm ngặt nhất về thành phần. Theo đó, USDA quy định nghiêm ngặt về cách sử dụng logo, từ ngữ trên bao bì, cụ thể như sau:

  • Bao bì gán nhãn “100% hữu cơ” nghĩa là sản phẩm đó được làm từ 100% thành phần đạt chứng nhận hữu cơ.
  • Bao bì gán nhãn “hữu cơ” nghĩa là sản phẩm có ít nhất 95% làm từ thành phần đạt chứng nhận hữu cơ, dĩ nhiên các thành phần còn lại sẽ được kiểm định đảm bảo yếu tố an toàn cho người dùng.
  • Bao bì gán nhãn “được làm từ các sản phẩm hữu cơ” nghĩa là sản phẩm có ít nhất 70% thành phần được chứng nhận hữu cơ.

Để có được chứng nhận hữu cơ tiêu chuẩn USDA là cả một quá trình, bắt buộc sản phẩm phải đáp ứng các tiêu chí gắt gao do tổ chức USDA đưa ra từ khâu chọn giống, chọn nguồn đất, nước đến khâu trồng trọt, thực hành chăn nuôi, kiểm soát sâu bệnh, cỏ dại, dịch bệnh, quá trình sản xuất, chế biến cho đến bảo quản.

Chọn giống

Đầu tiên, giống được sử dụng (giống cây, vật nuôi…) đều cần đáp ứng tiêu chuẩn là giống hữu cơ thuần chủng, không biến đổi gen (GMO - “Genetically Modified Organism”)

Tiêu chuẩn về đất, nước

USDA quy định sản phẩm được chứng nhận hữu cơ, trước đó phải có chứng nhận về nguồn đất. Nguồn đất cần đáp ứng tiêu chí không tồn dư chất cấm trong 3 năm trở lại (chất cấm gồm phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, kim loại nặng…) Để hạn chế ô nhiễm thì nguồn đất cần xa khu dân cư, xa các khu vực như nhà máy, xí nghiệp...

Mặt khác, đất canh tác hữu cơ cần đáp ứng đủ dinh dưỡng để cây trồng phát triển tốt mà không có sự can thiệp của phân bón hóa học (bên cạnh yếu tố sử dụng phân bón hữu cơ). Thường thì các farm sẽ áp dụng các biện pháp luân canh, xen canh, che phủ cây trồng… để tăng độ phì nhiêu của đất, chống sâu bệnh…

Đối với nguồn nước cần đảm bảo không ô nhiễm, không tồn dư kim loại nặng và phải trải qua khâu xử lý trước khi đưa vào tưới tiêu cho cây trồng, làm thức uống cho động vật, gia súc, gia cầm...

Đối với thịt hữu cơ

Động vật lấy thịt cần đáp ứng tiêu chuẩn về giống, nguồn thức ăn 100% hữu cơ, môi trường sống (được chăn thả trên đồng cỏ, ví dụ động vật nhai lại như bò phải thả trên cánh đồng ít nhất 120 ngày trong mùa chăn thả để bò được sống trong môi trường tự nhiên, toàn bộ khâu này được kiểm soát chặt chẽ), động vật không sử dụng kháng sinh hay hormone tăng trưởng…

Quy trình giết mổ, chế biến cần đảm bảo các tiêu chuẩn và quy định nghiêm ngặt chi tiết từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ.

Đối với các sản phẩm chế biến

Bên cạnh các tiêu chuẩn cơ bản thì sản phẩm chế biến cần cam kết không chứa chất bảo quản, màu sắc, hương vị nhân tạo, tất cả các thành phần cần được phê duyệt, chứng nhận.

Xử lý sâu bệnh, dịch bệnh

Sâu bệnh hại cây trồng và cỏ dại được kiểm soát thông qua các biện pháp quản lý gồm kiểm soát vật lý, cơ học và sinh học thay vì dùng thuốc hóa học. Ví dụ như sử dụng các chế phẩm sinh học (nước tỏi,gừng, ớt) để trị sâu bệnh, các biện pháp thủ công, luân canh, xen canh cây trồng khác, biện pháp “thiên địch” thay cho thuốc trừ sâu…

Đối với dịch bệnh ở vật nuôi cần được kiểm soát, cách lý và tuyệt đối không sử dụng kháng sinh, vật nuôi bị bệnh sẽ được cách ly, tiêu hủy để không lây lan mầm bệnh. Toàn bộ đều có quy trình nghiêm ngặt do USDA đưa ra.

Trên đây chỉ là một vài tiêu chí cơ bản để đáp ứng tiêu chuẩn đạt chứng nhận hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA). Anh/chị có thể tham khảo thêm tại https://www.usda.gov

 

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: