Muốn bảo quản rau củ quả tươi lâu, nên để chúng trong túi giấy.
Túi nilon thường hoặc dạng túi hút chân không về cơ bản đều được chế tạo từ sợi nhựa tổng hợp với nhiều loại phổ biến như túi HD, túi PE, túi PP.
Những loại túi này có nhiều ưu điểm so với túi giấy, đặc biệt là trong việc giúp bảo vệ thực phẩm tránh khỏi nhiễm bẩn và nhiễm khuẩn trong khi túi giấy thông thường không thể thực hiện được việc này.
Không để trái cây và rau củ trong túi nilon vì chúng cũng cần được hô hấp
Khác với thịt cá cần được bảo quản ở nhiệt độ thấp trong tủ lạnh với túi hút chân không, trái cây, rau củ, quả lại có những phương pháp bảo quản khác.
Lưu ý chung là không nên bảo quản trái cây, rau củ, quả trong túi hút chân không do chúng vẫn cần được “hô hấp”. Do đó, lựa chọn túi giấy có đục lỗ để bảo quản là hợp lý.
Đối với những thực phẩm nhạy cảm với nhiệt độ thấp như khoai tây, hành tây và tỏi thì cần được bảo quản ngoài tủ lạnh trong những nơi tối và mát mẻ.
Những loại trái cây như táo, mơ và dưa khi chín sẽ tiết ra ethylene có thể làm hỏng các loại rau, do đó, chúng cần được bảo quản trong túi có lỗ và để tách biệt với rau trong tủ lạnh.
Một lưu ý quan trọng khi bảo quản thực phẩm trong túi nilon hoặc túi giấy: Không để chung rau củ với trái cây, nên tách riêng từng loại để có thể bảo quản được lâu hơn cho dù là để trong tủ lạnh hay ở ngoài.
Rau củ, nho, chuối rất dễ bị mốc và héo nên được bảo quản riêng biệt trong tủ lạnh, được cuốn trong giấy ăn và bảo quản trong túi có lỗ.
Nhiều người cho rằng rau củ quả để trong túi giấy có thể bảo quản lâu hơn túi nilon chủ yếu là do việc sản xuất khí ethylen của rau quả chín. Khi bảo quản rau củ, đặc biệt là nếu để lẫn trái cây – rau củ với nhau, thì khi trái cây chín, sẽ sinh ra khí ethylene.
Nếu được bao gói kín, khí ethylene sẽ không lưu thông được, không thoát ra ngoài, sẽ làm cho các loại rau xung quanh dễ bị phân hủy hơn bình thường, hoa quả đặt cạnh cũng sẽ chín nhanh hơn.
Túi nilon thường sẽ kín hơn túi giấy, khả năng thông khí cũng sẽ kém hơn, do vậy, rau củ, trái cây đựng trong túi nilon sẽ nhanh hỏng hơn.
Ngoài ra, cũng do việc túi nilon thường kín hơn túi giấy, nên trong những ngày nắng nóng việc dùng túi nilon bảo quản rau củ quả, đặc biệt là nếu buộc kín túi nilon, sẽ gây ra hiện tượng giống như hiệu ứng nhà kính, làm nhiệt độ bên trong túi nilon tăng cao, khiến rau củ quả tươi sẽ nhanh héo, hỏng hơn.
Do vậy, muốn bảo quản rau củ quả tươi lâu, nên để rau củ quả trong túi giấy đục lỗ hoặc nếu đựng trong túi nilon, cũng nên đục lỗ túi nilon để đảm bảo lưu thông không khí.
PGS.TS.BS NGUYỄN XUÂN NINH - Phó Viện Trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam